Thời gian gần đây, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nở rộ phong trào nuôi gà chọi. Từ đầu tháng 12, các "cò" gà ở thành phố lớn đã đổ về các vùng quê săn gà chiến, cung cấp cho các đại gia mê đá gà mùa Tết.
Nghề nuôi gà chọi: “một vốn bốn lời”
Có thể nói, chưa bao giờ số người nuôi gà đá ở ĐBSCL nhiều như hiện nay, nhộn nhịp nhất là ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) và dọc theo các tuyến lộ miền Tây, nhất là vào những ngày giáp Tết.
Anh Nguyễn Văn Lai ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cho biết: “Bà con ở huyện chợ Lách này cũng như huyện Cái Mơn ngoài thời gian chăm sóc vườn hoa kiểng còn tranh thủ nuôi thêm mấy đàn gà đá. Mỗi tháng kiếm lời trên bạc triệu, nhiều khi gặp được một vài con gà chiến, tung đòn giỏi thì tiền lời gấp 3 - 4 lần bán một con gà thịt”.
Theo anh Lai - một người có kinh nghiệm chăm sóc và biết “xem tướng” gà - chỉ cần nuôi vài bầy gà giống, mỗi năm cũng có thể chọn ra hàng chục con gà chiến có giá trị từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/con. Ngoài ra, anh Lai cũng "bật mí" cách chọn gà đá. Theo anh Lai, gà đá mỗi con mỗi vẻ, màu sắc đa dạng, tính “yêng hùng” cũng khác nhau, nhất là gà điều, gà xám, gà ô, gà tía.
Anh Nguyễn Văn Tư ở xã Song Phú, Huyện Tam Bình, Vĩnh Long, chia sẻ: “Nuôi gà đá tuy dễ kiếm tiền nhưng rất cực và công phu, đòi hỏi người nuôi phải có bề dày kinh nghiệm, lão luyện, nhất là khả năng nhận diện về tướng mạo, chọn được những con hùng dũng, lông lá màu sắc kỳ vĩ, cặp cán (chân) khoẻ mạnh, vẩy vi đều đặn và tiếng gáy oai phong. Ngoài ra họ còn phải biết o bế, chăm sóc và nâng niu gà như con của mình”.
Muốn có được những con gà chiến đấu bền bỉ, gan dạ, người nuôi phải chú ý đến con bố mẹ, nhất là con mái phải có ngoại hình khác thường, khoẻ mạnh, hung dữ. Nếu sau một vài lứa, đàn con xuất hiện những con gà trống gan lì, có khả năng chịu đòn giỏi thì người ta sẽ chọn con mái đó làm giống và ra sức huấn luyện những con gà trống nổi trội trong đàn.
Theo anh Lai và anh Tư, cho biết ngoài một số người dân háo hức với nghề nuôi gà đá "một vốn bốn lời" này, một số bà con khác nuôi gà đá là để làm cảnh, thưởng thức tiếng gáy vang khỏe của chúng vào mỗi buổi sáng sớm.
Hiện nay, ngoài những hộ nuôi gà tại nhà còn có một lực lượng khá đông chuyên đi săn tìm những con gà độ để cung cấp cho các đại gia “mê gà”, nhất là từ khi bên kia biên giới Campuchia ở Tây Nam mở ra những trường đấu gà lớn. Nhiều tay cá độ có máu ăn thua ráo riết lùng sục khắp nơi để tìm cho được những con gà độ có nhiều thành tích và tiếng tăm lừng lẫy.
Càng gần Tết các "cò" gà ra sức săn tìm gà đá chiến
Bác Tư Chèn - xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè) - cho biết: “Do xứ mình chưa có giống gà hay bán bạc triệu nên thời gian đầu mình phải kết hợp với mấy anh em "cò" gà tìm giống tốt lai tạo. Từ lứa thứ 2, 3, mình bán mỗi con từ 1 đến 2 triệu đồng, lại có giống gà hay để nuôi tiếp”.
Không khí săn gà đá dịp Tết cũng không kém phần náo nhiệt ở Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ,… Anh Hòa - một người săn gà có hơn 10 kinh nghiệm ở TP Hồ Chí Minh - cho biết: “Mấy năm trước cò săn gà đá ít nên có khi mình chậm trễ được. Bây giờ nhiều thanh niên có chút kinh nghiệm xem tướng gà là có thể hành nghề. Bởi vậy trong mấy tuần cuối tháng 12, đầu tháng 1 này, anh em tụi tôi phải chạy vắt giò lên cổ mới có gà chiến cung cấp cho khách”.
Theo anh Hòa, tùy khả năng của mỗi nhóm "cò", có nhóm một mùa tết cũng kiếm được cả trăm triệu. Nếu một mùa Tết “trúng” 50 - 70 con gà cực chiến, mỗi "em" bán với giá từ 10 - 30 triệu thì đã có trăm triệu trong tay.
Từ lâu nghề nuôi gà đá đã là một nghề có thu nhập hấp dẫn. Nếu như những người nuôi gà và thuần dưỡng gà xem đây là một hoạt động mang tính văn hoá thì việc nuôi gà đá để kinh doanh, giải trí và làm cảnh mới thực sự có ý nghĩa. Nhưng một số người lợi dụng tính “yêng hùng” của những con gà chiến để tổ chức cờ bạc, cá độ và sát phạt lẫn nhau, khiến trò chơi đá gà đã phai nhạt dần nét đẹp.
Nguồn Internet
BBT Hatthocvang Viet Nam